Áo Coóng và lễ vật tặng cô dâu gồm dây xà tích, trâm cài …bằng bạc, khuyên tai vàng
|
Nếu thuận cả thì hai bên sẽ làm đám cưới ba ngày liền, cùng nhau uống rượu xoè, "khắp" tưng bừng.
Chú trâu bị ngả thịt từ lúc 2h sáng
|
Đặc biệt, trong suốt lễ cưới của người Thái đen (ở bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, thành phố Điện Biên), chỉ đàn bà mới được làm lễ, các ông đều làm bếp hoặc giúp các việc phụ.
Gánh lễ vật sang nhà gái
|
Ngày cưới, nhà trai dậy sớm mổ bò mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, 4 kẹp “pa hắp” cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, 4 ống “Bẳng nhứa” (ống thịt) chọn thịt nạc ướp cùng muối, nhồi vào ống tre để khao “lúng ta” (cậu bên ngoại), gói “xí hó, khát pú” (4 gói trầu rừng) ăn cùng với rễ cây “co hát”, lá trầu lấy ở rừng về gọi là “co tói”.
Loại trầu này không ăn với vôi, bà con kiêng ăn vôi, sợ con cháu nóng bỏng. Các lễ vật còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của nhà trai và các thành phần “lúng ta” của nhà gái.
Lễ trải chăn đệm:
Chăn nệm nhà trai mang sang làm quà tặng đôi vợ chồng trẻ
|
Đến giờ tốt, bốn bà đã được chọn là những phụ nữ đảm đang, khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống, tiến hành thủ tục trải chăn đệm cho cô dâu chú rể, nơi gian buồng cô dâu, theo thứ tự: trải chiếu cô dâu trước đến chiếu chú rể trải lên trên; đệm cô dâu đến đệm chú rể; ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể; hai gối cô dâu chú rể đặt sát vào nhau...
Bốn bà vừa làm thủ tục trải đệm, vừa có lời cầu may hạnh phúc cho cô dâu chú rể: “Trải đệm cho dầy. Trải chăn cho rộng. Trải đệm rộng lấy con gái con trai nhé!” Cuối cùng bốn bà mắc màn cưới rồi buông xuống trùm kín cả chăn đệm.
Lễ Tằng cẩu (Búi tóc ngược)
Sáng hôm làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.
Mâm lễ đặt phía gian phòng cô dâu gồm: Đồ sính lễ búi tóc bố mẹ chồng đưa sang (Hai búi tóc độn, một cái châm cài tóc bằng bạc, tám sải vải trắng tự dệt, tám sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tằm, tiền nhiều ít tuỳ khả năng); Tặng phẩm bố mẹ vợ mừng lễ búi tóc cho con gái (Bốn sải vải trắng tự dệt, bốn sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tầm, tiền nhiều hay ít tuỳ khả năng, một cái lược, một bát nước lã... để chải tóc cô dâu).
Mâm lễ búi tóc chuẩn bị xong, cô gái sắp thành cô dâu, mặc váy áo, bà mẹ cô gái dắt tay cô gái đến ngồi bệt xuống chiếu trước mâm lễ búi tóc.
Bà mẹ thả duỗi tóc con gái xuống cho bên nhà trai tiến hành thủ tục búi tóc ngược. Người được chọn để Tằng cẩu đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại.
… trao nhau nhẫn cưới
|
Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp "khắp toóc". Nội dung của các bài hát nói lên hoàn cảnh của mỗi nhà và những lời dặn dò đôi trai gái.
Bị đẩy vào giường với những đứa trẻ để cầu phúc
|
Trong lễ Tằng cẩu, người được chọn búi tóc cho cô dâu hát những lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể: "Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng. Nước không đổi dòng. Lòng không đổi hướng, con ơi".
Lễ đội mũ và tạ ơn đấng sinh thành
|
Sau lễ Tằng cẩu, cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng.
Xong lễ, bà mối thay mặt nhà trai có lời cảm ơn nhà gái đã có sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành làm lễ cho hai con đạt kết quả tốt đẹp, thành vợ, thành chồng; Nói xong họ đẩy đôi vợ chồng mới vào trong màn cưới, một lúc sau mới được ra khỏi màn và đi tiếp khách bình thường.
Sau buổi cưới, cô dâu được rước về nhà chồng
|
Sau vài ngày, nhà trai sẽ tổ chức một buổi cơm thân mật mời nhà gái và chính thức rước con dâu về nhà. Trong buổi lễ này, cô dâu sẽ tặng gia đình nhà trai mỗi người một món quà gồm một chiếc khăn piêu, một chiếc túi Thái… do chính tay cô dâu làm từ trước đó
Dương Thanh Phong
No comments:
Post a Comment