Non Nước Tràng An & Cố Đô Hoa Lư - Ninh Bình




Một ngày thăm thú Tràng An và Bái Đính

Bạn có thể khởi hành từ Hà Nội vào lúc 6h sáng, kết hợp thăm thú khu du lịch Tràng An và đi lễ chùa Bái Đính trong cùng ngày.
Điều đặc biệt ở Tràng An là các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.
 
Hiện nay, du khách đến Tràng An thường tham gia tour du lịch bằng thuyền kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch: Bến đò - Đền Trình - hang Địa Linh - hang Tối - hang Sáng - hang Đền Trần - Đền Trần - hang Si - hang Sính - hang Tình - hang Ba Giọt - hang Nấu Rượu - Phủ Khống - hang Phủ Khống - hang Trần - hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Giá vé tham quan là 150.000 đồng một khách.
Điểm dừng chân ở đền Trần phải leo lên 175 bậc khá vất vả. Bạn nên hạn chế đồ mang theo và đi giày vải mềm.
 
Qua Đền Trần là đến thung lũng Tràng An, nơi hiện chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, nguyên thủ quốc gia. Người trông coi đền Trần, ông Dương Đình Thanh (Hoa Lư, Ninh Bình) kể rằng theo các tích trên bia đá cho thấy, thung lũng Tràng An là nơi từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp cách đây 1.000 năm. Tướng Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân vào thung lũng ẩn náu, và lấy làm căn cứ rèn đao luyện kiếm, khôi phục binh mã tính chuyện thôn tính Lê Hoàn nhằm giành lại quyền bính cho nhà Đinh. Thông tin bị bại lộ, Lê Hoàn đem quân bao vây thung lũng. Khu vực độc đạo khiến quân lính của Phạm Bạch Hổ cạn lương nhanh chóng, ông cùng 1.000 binh sỹ đã thiệt mạng. Máu chảy khắp nơi nên ngày nay người Tràng An còn gọi thung lũng này là Vụng Thắm. Câu chuyện như một huyền thoại của người Tràng An, còn chính sử thì ghi rằng: Tướng Phạm Bạch Hổ là người gắn với 3 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Bia đá tại đền Trần ghi, sau khi chôn cất 1.000 binh sỹ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si.
 
Hang Nấu Rượu, trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15 m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng và dùng nước này để nấu rượu. Hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.
Kết thúc tour thăm thú Tràng An, bạn nên dùng bữa trưa ngay tại bến thuyền. Nhà hàng ở đây lịch sự, sạch sẽ, có điều hòa và giá cả phải chăng. Hoặc bạn có thể nghỉ trưa miễn phí tại nhà chờ.
 
Sau khi dùng bữa, bạn di chuyển tiếp đến chùa Bái Đính cách Tràng An chừng 8 km. Giá đi xe điện ở Bái Đính là 60.000 đồng cho hai chiều. Chùa Bái Đính mở cửa từ 6h sáng các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h.
 
Bức tượng tạo hình Phật bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10 m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước.
 
Hành lang chùa Bái Đính.
 
Ba pho tượng Phật trong Tam thế điện. Ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai này được dát vàng, trông uy nghi, lộng lẫy. Công trình này xứng đáng đạt kỷ lục tượng Tam thế lớn nhất Việt Nam.
 
Chùa Bái Đính là một khu vực rất rộng và di chuyển rất mệt, bạn nên cân nhắc chỉ đi một số điểm chính như: Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ, ngôi chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn. Chùa Bái Đính có hướng dẫn viên chuyên nghiệp bạn nên liên hệ để có thông tin đầy đủ .
 
Toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm.
Bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội (các bến xe khách Giáp Bát, Mỹ Đình). Xe chạy hàng ngày, có nhiều giờ khác nhau. Nên liên hệ với Bến xe để biết thêm chi tiết. Hoặc bạn có thể đi Open bus như The Sinh Tourist xe chạy tối, đến Ninh Bình khoảng 22-23h. Bạn nghỉ đêm ở Ninh Bình, hôm sau đi Tràng An.

Cố Đô Hoa Lư

Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.
Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình
Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình
Theo sử sách thì cố đô Hoa Lư và đôi câu đối đền Vua Đinh thì ta thấy rằng: Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ”…. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.
Chợ bán đồ lưu niệm Hoa Lư Ninh Bình
Chợ bán đồ lưu niệm Hoa Lư Ninh Bình
Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.
Kinh thành Hoa Lư xua gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư…. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…..
Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình
Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình
Ngày nay hình ảnh của Cô Đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố Đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh – Vua Lê ”.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình
Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình
Với khoảng cách 100km tính từ Hà Nội và sự thuận tiện của hệ thống giao thông thì bạn chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi Ôtô… Đến đây và được nghe những câu chuyện về các vị vua được kể một cách giản dị, thành kính và đầy tự hào của các thuyết minh viên tại đểm chắc chắn sẽ khiến chi bạn có cảm giác tự hào về lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó bạn có thể kết hợp việc thăm Hoa Lưu với một số thắng cảnh nổi tiếng khác ở Ninh Bình như: KDL Bái Đính – Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Nhà Thờ Đá Phát Diệm hoặc Thung Nham, Vân Long…..

No comments:

Post a Comment