Đi Tìm Nét Cổ Thành Nam -Nam Định




Phố cổ Thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định thời Nguyễn. Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng có đến hơn 40 phố cổ.Thành phố Nam Định có bề dày lịch sử hơn 750 năm .  Chợ là nơi tiêu thụ tập trung nhiều hàng hoá, chợ ven sông là chợ Vị Hoàng, chợ Đò Chè, rồi chợ Cửa Trường. Chợ to, đông vui nhất là chợ Rồng, vì thế trên những con đường từ bờ sông vào chợ đã thành nơi sinh sống và sản xuất của các gia đình làm nghề thủ công. Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện (nay là Hàng Tiện), rồi đến Hàng Cấp (dệt các loại vải), Pháp đặt tên đường phố này là Henri Rivière. Ra bờ sông Vị Hoàng còn một đường phố gồm: Hàng Đường và Hàng Đồng hai phố này Pháp dịch là Rue du Cuivre nay là Hàng Đồng. Chợ Rồng lên phía bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà, về sau hai phố này gọi là phố Móng Cáy (nay là Lý Thường Kiệt). Từ bờ sông vào chân tường thành có một dãy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm (nay là Bắc Ninh). Về phía nam thành phố, trên bờ sông có các phố bến thuyền như: Bến Củi, Pháp đặt là Rue Champeaux (nay là Ngô Quyền), Bến Gỗ, Pháp đặt là Rue Etat-Unis (nay là Phan Chu Trinh), phố Bến Thóc, Pháp đặt Hacrnamd. Lùi vào phía trong là phố Hàng Nồi, Pháp đặt là Rue de Paris (nay là Nguyễn Thiện Thuật). Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế Pháp đặt là Cerculis, (nay là phố Phan Đình Phùng) và phố Hàng Thao Pháp đặt là Đồng Khánh (nay là phố Hàng Thao).
Từ trong thành đi ra sông Vị Hoàng là phố Cửa Đông, Pháp đặt là Rue de Carreau (nay là đoạn đầu từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến gốc đa Hàng Sắt phố Lê Hồng Phong). Từ cửa Nam ra sông Đào gọi là phố Cửa Nam, Pháp đặt là Richaud (nay là đường Tô Hiệu), cổng phía bắc thành có phố Cửa Bắc (nay là Thành Chung). Thành Nam có cửa tây, nhưng không có phố Cửa Tây do ở phía này không có sông để vận chuyển hàng hoá (thời ấy giao thông đường thủy là chủ yếu). Về sau phía tây thành cũng không phát triển bởi tư bản Pháp đã chiếm vùng đất phía tây (Năng Tĩnh) để xây nhà máy Sợi.Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng bắc nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (Vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Pháp đặt là Rue France (nay thuộc Hai Bà Trưng) và Hàng Cau đặt là Jules Ferry. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là phố Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu, Pháp đặt tên cho các phố này là Maréschal Foch (nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ).

                             

Các phường buôn, phường nghề ở với nhau trong cùng một dãy lập đền thờ tổ nghề, hay đình thờ thành hoàng bản quán (quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội. Phần lớn đền thờ tổ nghề nằm trong phố nghề. Những người làm nghề dệt (Hàng Cấp) từ Thăng Long xuống thì lập đền Voi Phục thờ thần Bạch Mã, đình Hàng Cấp (nay là trụ sở UBND phường Vị Hoàng). Các phố như: Hàng Bát, Hàng Tiện, Hàng Quỳ, Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Đồng, Hàng Giầy, Hàng Nồi… đều có đền của phố nghề (phường nghề). Nhưng cũng có những đền như đền Hàng Bạc, đền Hàng Thêu, thực ra lại không có phố Hàng Bạc, Hàng Thêu riêng, bởi người làm nghề kim hoàn, buôn bán vàng bạc ở chung trong phố Hàng Rượu, nên đền Hàng Bạc dựng ở phố Hàng Rượu. Người làm nghề thêu tập trung ở đoạn đầu phố Hàng Thiếc và Cửa Đông nên đền Hàng Thêu được những người thợ thêu chung sức mua đất tại phố Cửa Đông dựng nên ...

1 comment: