Phong tục ngày Tết của người Phương Nam


Khi những cành đào ở phía Bắc hé sắc đỏ báo hiệu Xuân về, thì những cánh mai vàng nở trong nắng ấm cũng cho thấy Tết đã về với miền đất phương Nam. Người dân phương Nam đón Tết với nhiều  phong  tục, tập quán mang đậm hương sắc vùng miền.


Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người dân phương Nam (gồm các tỉnh phía Nam Trung bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ) dù làm bất cứ nghề gì, ở bất kì đâu, đều mong được trở về nhà sum họp gia đình. Trước Tết đến nửa tháng, các thành viên trong gia đình đã sơn sửa, dọn dẹp, trang trí lại nhà để đón xuân. Người dân cũng coi trọng lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp với những nghi lễ không cầu kỳ, chỉ cốt chứng minh lòng thành tiễn ông Táo về trời. Nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Đối với người phương Nam, ngày đưa ông Táo về trời cũng là ngày cúng các món ăn, trong đó không thể thiếu được món chè đặc trưng nhất là món chè trôi nước. Từ cái tên món chè đã thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi. Ông Táo lên trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt,  thể hiện mong ước của người dân để mọi việc trong năm mới tốt hơn, thuận lợi và suôn sẻ hơn”.         

Đối với người Nam bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường cho biết: “Tết ở trong này gọi là ăn  Tết , bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong 3 ngày Tết là cúng cho Tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì Tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết”

No comments:

Post a Comment