Travel & Explore
Áo phông mùa hè 2019
https://teespring.com/tuan-tran?utm_source=Seller_mktauto_us&utm_campaign=seller_campaign_launch_2&utm_medium=email#pid=87&cid=2324&sid=front
Nơi Phát Tích Vương Triều Trần - Nhà Trần & Thái sư Trần Thủ Độ
Ngay từ đầu thế kỷ thứ 13, vùng đất Long Hưng - Ngự Thiên, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được nhà Trần - một vương triều cường thịnh, với hào khí Ðông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm nơi dựng nghiệp.
Trong Ðại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục,... đều ghi rõ: Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ 12, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Ðịnh) và Lưu Xá (xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc. Bởi thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha và vợ đến vùng đất Thái Ðường - Ngự Thiên thuộc thôn Tam Ðường - xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay và lên bờ định cư, phát triển nông tang.
Cùng với sự lớn mạnh của dòng họ và hậu thuẫn của các thế lực mạnh thời đó, dòng họ Trần đã từng bước được triều Lý giao cho nhiều công việc quan trọng. Trong đó có cả việc tham gia dẹp loạn nội triều. Chính những biến loạn trong triều Lý và sự lớn mạnh của dòng họ Trần trên vùng đất Long Hưng mà Thái tử Sảm của Triều Lý (sau này là Vua Lý Huệ Tông) đã về vùng đất Long Hưng lánh nạn rồi gặp gỡ, nên duyên với người con gái tài sắc vẹn toàn của dòng họ Trần (sau này là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung) - người đã cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ - với tài thao lược về chính trị và quân sự đặc sắc, đã tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần bằng một cuộc kết hôn giữa Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của Triều Lý) với Trần Cảnh (con trai cụ Trần Thừa). Việc Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (sau này là vua Trần Thái Tông) là cuộc chuyển giao quyền lực chính trị có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam vào năm 1225.
Khi thay thế triều Lý, triều Trần đã về trấn giữ kinh đô Thăng Long nhưng vùng đất Long Hưng - Hưng Hà vẫn được các vua Trần chọn là hậu phương vững chắc. Triều đình đã cho các vương hầu, thân tộc của mình về Long Hưng xây dựng các điền trang, thái ấp, phát triển sản xuất, tích trữ lương thảo làm cơ sở nuôi quân đánh giặc. Trai tráng đất Long Hưng được các vua Trần tin cẩn, lựa chọn sung làm quân túc vệ, quân tinh cương bảo vệ triều đình. Ðó cũng chính là lực lượng giúp vua phòng khi có binh biến, giặc dã xâm lăng.
Cùng với kinh đô Thăng Long, vùng đất Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) đã được nhà Trần xây dựng hành cung Lỗ Giang và cung điện của triều đình, đây là hậu phương vững chắc, tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Ðặc biệt, sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên Mông và bình Chiêm thắng lợi, các vị vua triều Trần đều về đây tổ chức Ðại lễ Bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Trong lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ bất hủ để ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng chống giặc ngoại xâm của quân dân Ðại Việt và thể hiện tấm lòng của vua tôi nhà Trần đối với vùng đất và con người Long Hưng - Hưng Hà:
"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu"
Nghĩa là:
"Ðất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng"
Và cũng tại phủ Long Hưng, tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289) Vua Trần Nhân Tông tiến phong Trần Quốc Tuấn làm Ðại nguyên soái Hưng Ðạo Ðại Vương.
Gần 800 năm qua, lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần, lăng mộ Thái sư Trần Thủ Ðộ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn còn đó, được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn. Dòng sông mà bao đời nay nhân dân Hưng Hà thường gọi là sông Thái Sư, chính là con sông do Thái sư Trần Thủ Ðộ chỉ huy khơi đào - nay vẫn ngày ngày mang dòng nước tưới mát cho một vùng rộng lớn của quê lúa Hưng Hà. Có thể khẳng định, mỗi con sông, mỗi cánh đồng, mỗi thôn làng trên vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà nay đều mang đậm nét những dấu tích anh linh của triều đại nhà Trần võ công oanh liệt.
Vương triều Trần tồn tại và phát triển trong vòng 175 năm (từ năm 1225 đến 1400) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Những đóng góp về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội của vương triều Trần trong sự phát triển của lịch sử dân tộc là vô cùng to lớn, rực rỡ và rất đáng tự hào. Một triều đại không chỉ giỏi trong đánh giặc giữ nước, lãnh đạo phát triển kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền Nhà nước mà còn để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc sắc, phong phú mà đỉnh cao là hào khí Ðông A lẫy lừng.
Phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và ý chí bất khuất, kiên cường của ông cha, từ khi có Ðảng lãnh đạo, Ðảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Ðảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã giành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong bốn năm qua, toàn huyện đã huy động khoảng ba nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tiếp nhận hơn 111 nghìn tấn xi-măng của tỉnh, huy động hơn 250 tỷ đồng từ ngân sách xã, hơn 200 tỷ đồng của nhân dân, xây dựng khoảng 1.200 km đường giao thông và nhiều công trình phúc lợi khác. Kết thúc năm 2014, toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 42,42%, tạo thế và lực để Hưng Hà sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Lễ hội Ðền Trần Thái Bình, nơi hội tụ khá đầy đủ những di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ rước nước, thi cỗ cá thời Trần, tục giao chạ, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ mà vương triều Trần để lại. Ðó chính là những yếu tố quan trọng để Lễ hội Ðền Trần Thái Bình là một trong số rất ít lễ hội của nước ta được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của Khu di tích lịch sử Nhà Trần được Trung ương và các cấp, các ngành rất quan tâm. Nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã về dâng hương tưởng niệm các vua Trần, đồng thời động viên cán bộ, nhân dân địa phương tiếp tục giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử thiêng liêng này. Gần đây nhất, ngày 27-2-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự khai mạc lễ hội đã phát biểu ý kiến và khẳng định: "Ðây là nơi phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần".
Theo dòng chảy lịch sử của dân tộc và phong tục cổ truyền của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình thống nhất định lệ hằng năm ngày 13 tháng Giêng Âm lịch là ngày khai mạc và tổ chức Lễ hội Ðền Trần Thái Bình. Ðây là dịp để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước tề tựu về mảnh đất linh thiêng, thắp nén tâm hương tưởng niệm và tri ân các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn và các tôn thất nhà Trần. Ðồng thời, thông qua đó để giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Về Quê Ăn Tết & Bánh chưng xanh hương vị Tết Việt
Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, nhắc đến Tết là phải nhắc tới bánh chưng. Không chỉ là một món ăn truyền thống, mà chiếc bánh chưng còn gắn bó với biết bao thế hệ con người Việt Nam, gắn với kỉ niệm tuổi thơ và là hình ảnh mà những người con xa quê luôn nhớ tới trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Đặc biệt, chiếc bánh chưng xanh đầy đặn, vuông vắn ấy còn là tấm lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, tổ tiên, đồng thời, thể hiện ước mong về một năm mới đoàn tụ, ấm no và an lành.
Điểm Hành Hương Phật Giáo Nổi Tiếng Bắc Ninh -CHÙA BÚT THÁP & Tháp Cửu Phầm Liên Hoa
Chùa Bút Tháp giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật | ||
Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu chùa Bút Tháp, hay còn gọi là Ninh Phúc Tự, đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng.
“Mênh mông biển lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững trăng rờn bóng cau Một vùng phong cảnh trước sau Bức tranh thiên cổ đượm mầu nước non”. 1. Lịch sử Mặc dù là một ngôi chùa cổ và rất nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nhưng mốc chính xác của năm khởi dựng thì chưa có một tài liệu nào đề cập cũng như lưu lại. Trong cuốn L’art vietnamien “nghệ thuật Việt Nam” của L.Bezacier (Nhà nghiên cứu người Pháp, xuất bản năm 1944) cho biết: “Trạng nguyên Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, quê làng Vạn Tư, huyện Gia Định, đỗ trạng nguyên năm 1274 - ông cáo quan về chùa Bút Tháp tu hành và mất năm 1333. Nếu theo tài liệu trên thì ngôi chùa đã có từ thế kỷ 13 hoặc thế kỷ 14. Cũng theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278).Thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng nguyên năm 1297) đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen. Ngọn tháp này nay không còn nữa. Đến thế kỷ XVII, chùa đã trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644), người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sang Việt Nam năm 1633 và trụ trì ở chùa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch và được vua Lê phong là "Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư". Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hành, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diện Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự" được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Sang đầu thế kỷ 18, chùa Ninh Phúc lại được tu sửa với quy mô lớn. Bia "Ninh Phúc thiền tự bi kí" dựng năm Vĩnh Thịnh 10 (1714) chép rằng "trong xã vốn có danh lam cổ tích là chùa Ninh Phúc, tuy được mở dựng bởi bậc thánh đời trước, nhưng qua nhiều năm đã hư hoại" và được các quan viên như Luân Quận công họ Lê, Nhu Thuận quận chúa họ Trịnh, Thể Thái Hầu là Lê Hội, Dĩnh Quận Công Lê Đĩnh, Ninh Lộc Hầu Lê Vịnh,... cho tu sửa thêm khang trang hơn mà "chẳng tiếc ngàn vàng sắm mua toàn gỗ tốt, lại được dân làng góp sức mời thợ cất dựng sửa sang, điện thờ nguy nga, chùa chiền rộng rải, trang điểm một bầu thế giới Lưu ly" (Khánh Lưu bi kí-1714). So với trước kia thì sau khi chùa được dựng lại thêm "dãy nhà riêng ở phía sau Phật đường", chùa đã quy mô to lớn hơn trước hơn rất nhiều. Sau đó hơn 20 năm thì chùa lại được trùng tu một lần nữa, lần này có lẽ là lần định hình nên kiến trúc và diện mạo của chùa cho đến ngày nay, bao gồm toàn diện các toà nhà đều được trùng tu lại cho thêm mới. Bia tháp Tôn Đức dựng năm 1739 cho biết "trụ trì chùa Ninh Phúc là Sa môn Tính Hài hưng công tu sửa trang hoàng, tu dựng tượng vàng ngày lành tháng 4 năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) triều Lê". Cũng trong lần tu sửa này toà Cửu phẩm liên hoa cũng được tạo dựng. Sau bao tan biến của bể dâu, triều chính thay đổi, dân tình nghèo đói tan tác, dấu cũ chùa xưa thêm tiêu điều, các cao tăng thạc đức của chùa vắng bóng như hầu hết các chùa trên đất Việt giai đoạn này. Cũng từ đây không còn dấu sách, văn bia nào ghi chép về các thiền sư của chùa mà chỉ còn lại đôi chút hình ảnh chùa Bút Tháp trong các thư tịch về một thắng tích còn vang bóng một thời. Đầu thời Nguyễn, sau một thời gian đất nước dần trở về sự ổn định và nhân dân yên ổn làm ăn thì nhu cầu tâm linh của họ được chú trọng. Cùng với thời gian diện mạo chùa xưa nay đã tiêu điều, chuông cũ tiếng vang không còn được như xưa, dân tình và các quan viên hương lão đã họp bàn đúc lại chuông. Sang thế kỷ 20, Tổng đốc Ninh Thái là Hoàng Trọng Phu đi qua vùng Thuận Thành thấy chùa hoang vắng tàn lụi nên bàn bạc cùng quan lại thu thập tiền của mà trùng tu "từ ngày 1 tháng 10 năm Quý Mão khởi công tu sửa chùa, tới ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn (1905) thì hoàn thành". Từ đó tới nay đã 100 năm, chùa lại mấy lần được sửa sang, như các năm 1937, 1940, 1957 và gần đây là đợt có quy mô lớn vào các năm 1990-1993. Chùa được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921 và gần đây vào năm 1992-1996. Đây là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam. Tương truyền, thuở xưa đàn chim nhạn ở các núi trên thường bay về đậu trên ngọn tháp đá của chùa-cảnh thiền đất lành chim đậu, và tên chùa Nhạn Tháp cũng được hình thành là thế. Đời Tự Đức (1848-1883), ngôi chùa bắt đầu mang tên mới là Bút Tháp. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 313-VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962. 2. Kiến trúc Chùa Bút Tháp có kiến trúc hoà nhập với môi trường thiên nhiên bao quanh. Người xưa đã biết kết hợp cảnh quan của cả vùng để tạo nên sự hoà nhập đó. Với cảnh quan hiện có, chúng ta thấy bên trái chùa có dòng sông Đuống, trước cửa chùa là đồng ruộng mênh mông, xa xa ở phía trái và phía phải chùa có núi Tam Đảo, núi Phật Tích bao bọc. Chùa không vươn lên theo chiều cao mà các đơn nguyên kiến trúc đều được trải dài theo mặt bằng. Do hoàn cảnh địa lý của một xứ sở nhiều nắng, lắm mưa, nên người Việt buộc phải có kiến trúc với những bộ mái lớn. ở chùa Bút Tháp cũng vậy, nhìn từ ngoài vào, chúng ta sẽ thấy ngay chiều rộng của mái chiếm gần 2/3 chiều cao. Hiện tượng đó càng như kéo kiến trúc xuống sát mặt đất hơn, kết quả là kiến trúc trở nên đầm ấm. Chính vì thế mà không gian của chùaBút Tháp như vừa đóng, vừa mở, dù có tường vây bao bọc mà ranh giới giữa chùa với bên ngoài ít phân biệt trong tâm thức. Kiến trúc chùa vẫn dùng khung gỗ chịu lực nhưng nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến. Trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất liệu gỗ và đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ. Đặc biệt, phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh có 26 bức chạm khắc đá, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá... , trên lan can cầu đá nối với Tòa Thích Thiện Am có 12 bức và ở lan can quanh chân tháp Báo Nghiêm có 13 bức. Như vậy tổng cộng các bức trạm khắc đá ở chùa Bút Tháp là 51 với những đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mặt chất liệu, phong cách và thống nhất về niên đại. Hình ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét tính chất nghệ thuật thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài thiên nhiên phong phú sinh động như Tứ Linh Quý. Phủ thờ nằm sau Phật điện là ngôi nhà 5 gian có hai pho tượng đáng chú ý. Hai pho tượng này là chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (nhà Lê) đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Cả hai pho tượng đều ngồi theo dáng toạ thiền. Trong Tích thiện am, có Tháp quay Cửu phẩm liên hoa – Hoa sen chín tầng – Tháp cao chín tầng như 9 đài sen, 8 mặt đều đặn thể hiện 8 phương của nhà Phật, ngăn cách các tầng là một bức gỗ chạm cánh sen nở xoà bốn phía, đầu nhọn khối nổi phồng. Chín đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Điều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ, mỗi vòng quay của tháp ứng với 3.542.400 câu niệm phật. Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật: Bia đá, lô nhang, am thờ, án giao,…Chùa BútTháp có một hệ thống tượng tròn rất đặc sắc so với những ngôi chùa khác. Tượng Phật giáo ở đây có nhiều loại, như tượng các vị Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, tượng các vị La Hán... trong đó có những pho rất quý, nổi tiếng cả nước và được giới nghiên cứu xem là khuôn mẫu của tượng Phật giáo Việt Nam, như tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Tam thế Phật,... Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ,... còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo. Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, ngoài ra còn có bộ tượng tam thế, tượng Quan âm tọa sơn, tượng Văn Phù và Phổ Hiền Bồ Tát, các pho tượng hậu bằng gỗ như tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, tượng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, tượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ và rất nhiều các pho tượng cổ khác, là những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay hết sức điêu luyện, do Trương Thọ 4. Lễ hội chùa Bút tháp Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Được tổ chức thường niên với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội gồm 2 phần, trong đó phần lễ với những hoạt động tín ngưỡng như: Lễ cúng Phật, Lễ dâng hương, Lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, Lễ cúng Tổ... được diễn ra chủ yếu trong khu nội tự. Các lễ hội tín ngưỡng này thu hút rất đông du khách thập phương tham gia. Sau phần lễ là đến phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao như: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo…Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Vương Bắc Giang |
Hoa Sen - Quốc Hoa Trong Văn Hóa & Trong Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam
Vẻ tinh khôi của hoa sen
Hoa sen hồng cứ tháng 5-6 hạ về lại nở rộ từ Bắc chí Nam. Đây là loài hoa tượng trưng cho phẩm cách người Việt vươn lên mọi hoàn cảnh và được đề cử là quốc hoa Việt Nam.
Hoa sen được ghi nhận có mặt trên trái đất khoảng 100 triệu năm trước và có nhiều màu như hồng, trắng, vàng, đỏ, xanh. Ở Việt Nam phổ biến nhất loài sen hồng, sen trắng.
Miền Bắc sen nở vào mùa hạ, còn vùng Đồng Tháp Mười hoa khoe sắc quanh năm. Mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu thơ của Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang mà thuần khiết của dân tộc Việt. Ca dao có câu: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Loài hoa này cũng tượng trưng cho vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt: Cổ tay em trắng như ngà/ Đôi mắt em liếc như là dao cau/ Nụ cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam cũng được ví như hoa sen lam lũ, nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, giữ được toàn hương, toàn sắc.
Sen hồng là loài có màu hồng tươi tắn, số lượng cánh đều, hương thơm vừa phải. Loài này còn có tên sen Việt, sen ta, cho bông rất nhiều và thường được người dân trồng để lấy hạt.
Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ, suốt những tháng mùa lạnh nó ủ mình trong bùn lầy, chỉ đợi ánh nắng ấm áp đầu hè và những cơn mưa rào đổ xuống là bừng dậy tràn trề sức sống: Sen vẫn thế, âm thầm và lặng lẽ/ Rồi một mai, bừng sáng giữa khung trời/ Từ sâu thẳm chốn bùn lầy đất mẹ/ Ngát hương thơm, nét đẹp chẳng phai phôi.
Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý (4 mùa) gồm lan, sen, cúc, mai.
Cùng giống sen hồng, sen Hồ Tây đã đi vào đời sống người Hà thành. Tháng 3, tháng 4 trong nhà phải có một bình hoa loa kèn, để rồi sang tháng 5, tháng 6 phải đặt một bình sen, mà nếu là sen Hồ Tây mới được chuộng.
Sen Hồ Tây là một giống sen bắt nguồn của đầm Trị, cạnh phủ Tây Hồ, hiện nay được nhân giống trồng nhiều vùng miền ở miền Bắc.
Sen Hồ Tây quý hơn vì có rất nhiều hạt gạo - thứ duy nhất trong bông sen dùng để ướp trà, làm nên loại trà sen thanh tao của người Hà thành. Giá mỗi cân chè ướp sen từ 5 đến 7 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để bán.
Như sen hồng, sen trắng tinh khôi, bình dị cũng phổ biến trong đời sống người Việt. Hoa sen trắng, biểu tượng của Phật giáo Việt Nam: Sống đời đức hạnh thanh cao/ Như hoa sen trắng đẹp màu yêu thương.
Phan Dương
Non Nước Tràng An & Cố Đô Hoa Lư - Ninh Bình
Một ngày thăm thú Tràng An và Bái Đính
Bạn có thể khởi hành từ Hà Nội vào lúc 6h sáng, kết hợp thăm thú khu du lịch Tràng An và đi lễ chùa Bái Đính trong cùng ngày.
Điều đặc biệt ở Tràng An là các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.
Hiện nay, du khách đến Tràng An thường tham gia tour du lịch bằng thuyền kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch: Bến đò - Đền Trình - hang Địa Linh - hang Tối - hang Sáng - hang Đền Trần - Đền Trần - hang Si - hang Sính - hang Tình - hang Ba Giọt - hang Nấu Rượu - Phủ Khống - hang Phủ Khống - hang Trần - hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Giá vé tham quan là 150.000 đồng một khách.
Điểm dừng chân ở đền Trần phải leo lên 175 bậc khá vất vả. Bạn nên hạn chế đồ mang theo và đi giày vải mềm.
Qua Đền Trần là đến thung lũng Tràng An, nơi hiện chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, nguyên thủ quốc gia. Người trông coi đền Trần, ông Dương Đình Thanh (Hoa Lư, Ninh Bình) kể rằng theo các tích trên bia đá cho thấy, thung lũng Tràng An là nơi từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp cách đây 1.000 năm. Tướng Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân vào thung lũng ẩn náu, và lấy làm căn cứ rèn đao luyện kiếm, khôi phục binh mã tính chuyện thôn tính Lê Hoàn nhằm giành lại quyền bính cho nhà Đinh. Thông tin bị bại lộ, Lê Hoàn đem quân bao vây thung lũng. Khu vực độc đạo khiến quân lính của Phạm Bạch Hổ cạn lương nhanh chóng, ông cùng 1.000 binh sỹ đã thiệt mạng. Máu chảy khắp nơi nên ngày nay người Tràng An còn gọi thung lũng này là Vụng Thắm. Câu chuyện như một huyền thoại của người Tràng An, còn chính sử thì ghi rằng: Tướng Phạm Bạch Hổ là người gắn với 3 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Bia đá tại đền Trần ghi, sau khi chôn cất 1.000 binh sỹ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si.
Hang Nấu Rượu, trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15 m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng và dùng nước này để nấu rượu. Hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.
Kết thúc tour thăm thú Tràng An, bạn nên dùng bữa trưa ngay tại bến thuyền. Nhà hàng ở đây lịch sự, sạch sẽ, có điều hòa và giá cả phải chăng. Hoặc bạn có thể nghỉ trưa miễn phí tại nhà chờ.
Sau khi dùng bữa, bạn di chuyển tiếp đến chùa Bái Đính cách Tràng An chừng 8 km. Giá đi xe điện ở Bái Đính là 60.000 đồng cho hai chiều. Chùa Bái Đính mở cửa từ 6h sáng các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h.
Bức tượng tạo hình Phật bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10 m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước.
Ba pho tượng Phật trong Tam thế điện. Ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai này được dát vàng, trông uy nghi, lộng lẫy. Công trình này xứng đáng đạt kỷ lục tượng Tam thế lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bái Đính là một khu vực rất rộng và di chuyển rất mệt, bạn nên cân nhắc chỉ đi một số điểm chính như: Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ, ngôi chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn. Chùa Bái Đính có hướng dẫn viên chuyên nghiệp bạn nên liên hệ để có thông tin đầy đủ .
Toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm.
Bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội (các bến xe khách Giáp Bát, Mỹ Đình). Xe chạy hàng ngày, có nhiều giờ khác nhau. Nên liên hệ với Bến xe để biết thêm chi tiết. Hoặc bạn có thể đi Open bus như The Sinh Tourist xe chạy tối, đến Ninh Bình khoảng 22-23h. Bạn nghỉ đêm ở Ninh Bình, hôm sau đi Tràng An.
Cố Đô Hoa Lư
Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.
Theo sử sách thì cố đô Hoa Lư và đôi câu đối đền Vua Đinh thì ta thấy rằng: Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ”…. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.
Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.
Kinh thành Hoa Lư xua gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư…. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…..
Ngày nay hình ảnh của Cô Đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố Đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh – Vua Lê ”.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.
Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Với khoảng cách 100km tính từ Hà Nội và sự thuận tiện của hệ thống giao thông thì bạn chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi Ôtô… Đến đây và được nghe những câu chuyện về các vị vua được kể một cách giản dị, thành kính và đầy tự hào của các thuyết minh viên tại đểm chắc chắn sẽ khiến chi bạn có cảm giác tự hào về lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó bạn có thể kết hợp việc thăm Hoa Lưu với một số thắng cảnh nổi tiếng khác ở Ninh Bình như: KDL Bái Đính – Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Nhà Thờ Đá Phát Diệm hoặc Thung Nham, Vân Long…..
Danh sĩ Nguyễn Công Trứ
Nói về người xưa, chúng ta rất dễ có những cách nhìn chủ quan, khách quan chưa nhất trí. Lấy con mắt của con người hôm nay để nhìn lại quá khứ, nhiều khi phát hiện ra được những khía cạnh sâu xa, nhưng cũng dễ vi phạm hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Nguyễn Công Trứ có lẽ là người từng chịu nhiều sự bất công, ngay lúc sinh thời, mà ngay cả bây giờ khi người hậu thế bình luận đến ông. Ông sống dưới chế độ phong kiến, nhưng người ta cứ chê ông là đệ tử của lí thuyết phụ tử quân thần! Việc đàn áp khởi nghĩa nông dân, triều đình giao cho nhiều viên quan, Nguyễn Công Trứ chỉ là phụ tá cho một đạo binh trong nhiều đạo, thế mà không thấy ai nhắc đến các tướng khác, cứ một mực đổ riệt cho Nguyễn Công Trứ xem ông như là Tổng chỉ huy khủng bố khởi nghĩa! Những thú chơi phong nguyệt của các ông quan, các nhà nho ngày xưa thiếu gì, thế nhưng người ta cứ có ý kiến nặng nhẹ về tư tưởng hành lạc của Nguyễn Công Trứ. Thái độ công bằng, ý thức thực sự cầu thị khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều về ông.
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ hầu như ai cũng rõ. Đỗ đầu thi Hương khi đã đứng tuổi, làm quan suốt 40 năm, ra Bắc vào Nam, đánh trận, khẩn hoang, chấm thi, xử kiện... ông đã hoạt động hăng hái trong thời gian dài. Quan lại và nho sĩ lúc bấy giờ cũng lắm kẻ tài ba, có người giữ chức vụ cao hơn ông, có người đi xa về gần hơn ông, nhiều tác phẩm và nhiều biệt tài hơn ông, nhưng ông lại là người được để ý nhiều hơn cả. Tại sao như vậy?
Chúng tôi cho rằng, để hiểu vấn đề này, nên tìm lại cái tâm lí, cái phong cách chung của các nhà nho thuở trước. Ngày xưa, con người không được phép cá thể hóa. Cái tài, cái tính của riêng mình tự mình không bao giờ nên tự bộc lộ cứ để cho quần chúng phán xét lấy. Còn nếu quần chúng có chỉ ra được thì mình cũng phải có cách nào đó mà tự giấu mình. Hồ Xuân Hương rất có cá tính, nhưng nàng cũng rất nhiều lần tự khép mình lại khi phải nói về mình, và còn băn khoăn xót xa khi tiếp nhận một vài dư luận (Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho). Cao Bá Quát có nhiều phản ứng, song thực ra ta cũng chưa hề thấy ông tự trình bày những nét cá tính hay phong cách. Nhà nho nào đấy, dù sắc sảo tài hoa đến đâu cũng không bao giờ quên mình vốn là một ông quan, một nhà mô phạm, còn có bổn phận phải gương mẫu, còn phải cẩn thận vì quan trên trông xuống, người ta trông vào. Thu mình lại trong một vài câu thơ tự trào, bộc lộ sự phản ứng qua một số như xét bất bình với hiện thực. Thế đã là có bản lĩnh! Muốn bộc lộ cái cá nhân văn hóa của mình, phải chờ đến thế kỉ XX, với những Tú Xương, Tản Đà, vì lúc này khuynh hướng tư sản đã có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa Việt Nam. Các nhà nho tự phụ về cái tài, có ý thức về cái tài của mình, đã thấy xuất hiện từ Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, hay trong lớp tài tử giai nhân từ thế kỉ XVIII, song họ đều cho ta thấy bóng dáng của một tầng lớp, một khuynh hướng, chứ không rõ ở một cá nhân nào. Đây là một vấn đề mà khi nào bàn đến lịch sử tư tưởng Việt Nam, chúng ta có thể lưu ý. Trong phạm vi trao đổi hôm nay, xin nói ngay rằng, khác với tất cả các nhà nho, các ông quan thuở trước, Nguyễn Công Trứ đã xuất hiện với cả một tư cách cá nhân văn hóa riêng tư. Ông luôn luôn tự bộc lộ cái riêng của mình, lúc nào cũng sống thực sự là mình, dám là mình giữa cái xô bồ của thế tục. Chính vì thế mà ông trở nên độc đáo, trở thành một hình ảnh, một nhân cách khiến mọi người phải quan tâm. Có thể tóm tắt cuộc đời và con người của Nguyễn Công Trứ trong bốn điểm cụ thể:
- Một giấc mộng công danh chủ yếu là con đường sự nghiệp;
- Một ngang tàng khinh thị bất chấp chìm nổi phong trần ;
- Một lòng yêu sự sống khẳng định lí tưởng dấn thân ;
- Một chí khí anh hùng đan xen phong cách tài tử.
Tất cả Nguyễn Công Trứ là ở trong bốn điểm ấy. Mà điều đặc biệt nhất là ở từng điểm một, Nguyễn Công Trứ luôn luôn tự thể hiện mình, không phân biệt với bất cứ ai. Mộng công danh, nho sĩ nào ngày xưa mà không xây đắp, nhưng không ai nói thẳng ra, hoặc có nói cũng cố phủ lên một tấm áo choàng để che bớt động cơ cụ thể. Nguyễn Công Trứ không cần giấu diếm. Không ai hiếu danh tột độ như ông. Chữ danh liền với chữ thân, thân đã có ắt danh âu phải có! Cái công danh là cái nợ nần! Dã thị giang sơn chung tú khí, quả nhiên đài các xuất danh công! Cái đầu óc danh vị thật nặng nề, mà danh đây lại hẳn hoi là cái chuyện làm quan: trước là sĩ, sau là khanh tướng! Các nho sĩ không ai nói trắng trợn đến như thế. Nhưng cái mộng công danh của ông cũng sớm bị thực tế cho thấy dở hay, lúc ấy thì ông lại ngang tàng thách thức, nhìn bọn công khanh với sự khinh thị rõ ràng: bọn con voi nằm bếp ỉa đầy nồi rang. Lúc ấy thì không cần đến công danh nữa, mà chỉ xem hội gió mây nào đó là chỗ cho ông thỏa chí tang bồng.Người có biết ta chăng thì chớ, không biết ta, ta vẫn là ta. Hẳn hoi là Nguyễn Công Trứ đã nhiều lần suy nghĩ từ trong tiềm thức rằng cuộc đời, cuộc công danh mà ông từng xem là món nợ là không có nghĩa gì. Nhưng ông đâu có thèm chọn cuộc đời nữa. Ông chọn sự sống. Ông luôn luôn tập trung sinh lực để sẵn sàng tham dự sự sống. Ông thả sức vẫy vùng cho khách trần ai biết mặt. Hội gió mây đối với ông buổi đầu tham dự là hội công danh “hơn nhau một tiếng công hầu”, trở thành một trường chiến đấu để tỏ mặt anh hùng hào kiệt, bất chấp những phong trần chìm nổi, bất chấp những thử thách chua cay. Ông đã tỏ ra ngang tàng khinh thị tất cả. Cái hiên ngang, khinh đời của ông cũng đường hoàng, thậm chí đến trắng trợn không chút e dè. Dân chúng xưa kia dám văng vào bọn quan to, nhưng là văng gián tiếp, văng không có sự hiện diện của đối tượng. Các quan cũng có thể văng nhau, nhưng chỉ trong trường hợp xung đột như trong chuyện Cao Bá Quát thấy “trên dưới đều chó”, còn thì họ vẫn nể nhau, không nể nữa thì cũng phải giữ gìn tư cách. Nguyễn Công Trứ không cần như thế. Ông vẫn là ông, ông khinh thì ông chửi, mà đã chửi thì bất chấp! Hết đù mẹ nhân tình, lại đến đù mẹ thằng nào! Đường hoàng một ông quan nhất nhị phẩm mà dám đem mo cau che đít bò, lại bảo đó là che miệng thế gian. Người ăn tiệc mừng mà ngang nhiên bảo gia chủ là bọn không có ruột gan, bảo bạn đồng liêu là rộng lượng như Thánh mới dám cố gắng dùng mày v.v... thì thật là bất chấp hết chỗ nói. Các quan ngày xưa ai dám như vậy. Cái văn hoá của họ là văn hóa cộng đồng phép tắc đã quy định cho họ rồi. Cái văn hóa của ông Trứ là của riêng ông, ông không tuân theo kỉ cương nào cả. Chính vì thế mà bao kẻ bị kỉ cương gò ép phải dựa vào ông, tưởng tượng lấy chút ngang tàng ông đã truyền cho họ.
Cái đặc sắc của Nguyễn Công Trứ là nhìn ông, người ta dễ dàng phân biệt được với bao nhiêu kẻ sĩ đồng thời. Bọn người này vô cùng đông đảo, nhưng dễ mấy ai có phẩm chất và cá tính như ông. Ông như lạc loài giữa khu vườn thế tục. Người ta, bao nhiêu kẻ có quyền có thế, cũng khoe khoang sách vở thánh hiền, nhưng họ nói một đàng làm một nẻo, mà ông thì chưa thấy gì chướng ngại giữa tri và hành. Họ nói an dân thì bóc lột dân hoặc mặc cho dân đói khổ, miễn là mình vinh thân phì gia. Ông thì chỉ dăm bảy tháng, lăn ra để đem lại cho dân 45.990 mẫu ruộng, lại cho phép lấy ruộng đó là tư điền. Họ nói trị quốc, bình thiên hạ mà suốt đời chỉ ru rú xó nhà, ông thì vào Nam ra Bắc, dẹp loạn để mưu cuộc thái bình, và ngay giữa chốn lam chướng sơn khê, biết thông cảm với nỗi niềm “nuôi cái cùng con” của bao nhiêu người vợ hiền lam lũ! Còn nữa! Có bao nhiêu kẻ sống dè dặt, bủn xỉn, tính toán, ông thì cởi mở, đàng hoàng, chẳng thèm so kè với bao nhiêu điều thách đố. Bọn họ lê lết với những ti tiện dưới mặt đất thì ông vẫy vùng cùng khoảng rộng trên trời cao. Đầu óc họ đen ngòm ác ý thì tâm hồn ông sáng chói điều lành. Cái bản sắc văn hoá trong cá nhân Nguyễn Công Trứ là như vậy.
Cũng chính vì thế mà hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ đã khẳng định một lòng yêu sự sống. Điều này cũng rất hiếm ở những người đồng thời, những người cùng tầng lớp, cùng một khuôn đào tạo như ông. Ông có lần bắt chước bạn bè làng nho để suy nghĩ câu chuyện hành tàng. Ông cũng cho rằng: Xưa nay xuất xử thường hai lối, mãi thế rồi ta sẽ tính đây! Nhưng đó là nói tiếng nói chung với người chưa đạt vận đấy thôi. Cuộc đời ông bao giờ cũng xuất thế. Làm thơ nhắc đến chuyện ngoài vòng cương tỏa, chuyện tùng cúc tỉnh say cho có vẻ thế thôi, ông có bao giờ nghĩ đến chuyện ẩn dật. Nói chuyện xuất thế, ông nghĩ đến Khương Tử Nha, Nghiêm Lăng (Tòa đá Khương Công và áo xuân Nghiêm Tử) là trong thâm tâm, ông vẫn rắp ranh ra đóng góp với đời. Lòng ông bao giờ cũng sôi nổi, nóng bỏng đòi được sống, can đảm mà sống, sống đó là một sự đương nhiên. Dù cuộc đời có bày ra bao nhiêu chuyện ba chìm bảy nổi, người biết sống, ham sống vẫn không bao giờ từ khước cuộc đời, vẫn luôn luôn giữ cho hơi ấm của lòng tỏa ra, làm tan đi những khối băng lạnh giá. Yêu đời nên thực tình chọn sự sống, dù biết có thể gặp bao nhiêu phi lí, bất công, bao nhiêu đe dọa bởi những bất trắc, lọc lừa. Yêu sự sống nên vẫn khẳng khái dấn thân và không bao giờ thèm đổi sự dấn thân để lựa chọn sự dung thân hèn yếu. Kết thúc cuộc đời mình, Nguyễn Công Trứ nói đến cây thông và gọi mời, vừa gọi mời vừa thách thức. Ai mà chịu rét thì trèo với thông? Ai trong số chúng ta hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa dám nhận lời mời đó?
Và vì thế, ngay ở đây cái bản sắc cá nhân Nguyễn Công Trứ vẫn lộ ra, khác thường mà hấp dẫn. Có thể nói đây là triết lí nhân sinh mà Nguyễn Công Trứ đem lại. Triết lí ấy, phải nói thực là chưa có ai trong lịch sử ta nói ra thành chữ thành lời. Có thể phân tích cuộc đời của danh sĩ này hay anh hùng kia để gặp những thực tế tương tự, nhưng phát biểu ra cho thành ngôn ngữ, thành hành động thì có lẽ chỉ có Nguyễn Công Trứ mà thôi.
Trong tâm tư sâu kín nhưng luôn luôn bộc lộ của mình, Nguyễn Công Trứ muốn trở thành một anh hùng, anh hùng trong trận mạc, anh hùng trong văn chương và anh hùng trong cả cuộc chơi nữa. Đó cũng là cái cá nhân văn hóa của ông hình như không ai có. Thật ra thì lịch sử không thiếu những nhân vật như thế này, nhưng mỗi người ở một lĩnh vực, Nguyễn Công Trứ thì làm được ở mọi môi trường (thời gian và không gian) và nơi đâu cũng tỏ ra xuất sắc lại có nhiều sáng kiến phi thường. Người anh hùng với người tài tử lúc nào cũng đồng hành với nhau, không hề làm hại nhau mà chỉ là để tô thêm bản sắc. Quan Tổng đốc ghé đầu nàng kĩ nữ, nhắc chuyện tâm tình rồi sau đó điềm nhiên hòa hợp “hoa tàn nhưng nhụy hãy còn tươi”. Không như Hồ Tôn Hiến sực tỉnh vì cái phương diện quốc gia cay nghiệt. Vị đại tướng cầm quân, tổ chức ngay những tối hát ả đào làm cho đàn sáo át cả tiếng trống cầm canh của binh trại. Và hơn thế nữa, lên với sư mà dắt theo cả những cô kĩ nữ, không quan tâm gì đến cảnh thanh tịnh của nhà chùa. Ai đó sẽ cho là ngất ngưởng, là ngoài khuôn phép, thậm chí đến đắc tội! Nhưng chỉ có người như Phan Bội Châu mới hiểu được sự thống nhất độc đáo của bản sắc anh hùng với phong cách tài tử mà thôi. Phan Bội Châu sẽ ca ngợi:
Sao như Uy Viễn tướng công nhỉ,
Say dắt cô đầu lên với sư.
Ở một mặt khác, thì đây chính là cái chơi rất độc đáo, rất văn hóa mà Nguyễn Công Trứ gọi là hành lạc. Nhiều ông đạo mạo không hiểu được, thường chê ông Trứ về điều này. Nhưng chính ông đã giải thích: “Theo thói chơi cũng là chơi vậy, biết màu chơi chưa dễ mấy người”. Không phải chỉ có khách làng chơi như lâu nay ta gặp. Có cả anh hùng tài tử có cả ông già tài tử. Tài tử này đã chọn nghệ thuật hát ả đào, vì đây là nghệ thuật đồng bộ, sôi nổi, say mê, bao gồm cả cầm, kì, thi, tửu. Càng về già, Nguyễn Công Trứ càng say sưa với ả đào, ở đó ông có thể vớt vát làm người anh hùng trong cuộc sống xướng ca, như ông tập trung làm nhiều bài thơ lịch sử. Xáo trời đất cổ kim kim cổlà như vậy. Cái bản sắc văn hóa rất diệu kì đó, bao nhiêu người không hiểu. Mà họ hiểu làm sao được, những tâm hồn cằn cỗi, không cằn cỗi thì ông co rút lại theo khuôn phép chúng làm sao thông cảm được với một khí phách ngang tàng. Thời nhân bất thức dữ tâm lạc, mượn phong tình mà trả nợ phong lưu. Thực chất cái hành lạc của đời ông là như vậy.
Vậy là cái đặc sắc của Nguyễn Công Trứ khiến mọi người phải quan tâm và khiến ông trở nên hấp dẫn, chính là ở bản sắc văn hoá cá nhân của ông. Chúng tôi cho rằng, lâu nay chúng ta thường nhìn ông như một nhà chính trị, một nhà quân sự, nhà kinh tế kiệt xuất và đồng thời là một nhà thơ, tất cả điều đó, đều là đúng, nhưng có lẽ phải đi hẳn vào bản chất mới thấy cái mới của ông, cái mà ông đưa lại cho văn hóa Việt Nam. Tất cả những thành tích ở các mặt nói trên, ở người này hay người khác đều có thể đạt được, theo những mức độ khác nhau, nhưng cái bản sắc cá nhân văn hóa này thì ít người có được. Ở một mặt nào đấy, có thể nói là cách nhìn, cách đánh giá trước đây về một người, thường thiên về đạo đức, về công trạng và về cả lập trường nữa. Điều đó cũng thành nếp với chúng ta sau tháng 8-1945. Trước đây ta đứng trên lập trường phong kiến thì ta có thể nhìn Nguyễn Công Trứ là thiên về hành lạc; đến khi ta đứng trên lập trường công nông thì ta lại cho ông là tôn quân, là đàn áp nông dân. Ta chưa nhìn Nguyễn Công Trứ theo giác độ văn hóa, nên thấy không rõ và không giải đáp được điều mà ta thấy ông là một khối mâu thuẫn. Thực ra ông đã rất thành thực, đã dám là mình. Rồi đây, dưới thời lãng mạn và cả bây giờ nữa, chúng ta ai đã dám là mình như Nguyễn Công Trứ.
***
Xét về tư cách con người, Nguyễn Công Trứ đã hiện ra với chúng ta là một cá nhân văn hoá rõ rệt. Với lịch sử, với dân tộc, ông cũng xứng đáng là một danh nhân. Có lẽ đây là điều mà tất cả chúng ta đều công nhận. Danh nhân, vì ông có chiến công rõ rệt, đặc biệt là chiến công trên mặt trận khẩn hoang. Danh nhân, vì ông là con người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Kể cả những người do lập trường thiên lệch mà phê phán thiên lệch, vẫn không thể đánh giá ông một cách khác được.
Nếu cần nói thêm ở đây thì cũng còn một số điều phải được nhận thức về ông. Trên kia tôi đã nói đến triết lí sống của Nguyễn Công Trứ. Ông không viết ra thành lời, ông không phải là nhà triết học. Nhưng cuộc đời ông chính là một bài học triết lí. Triết lí của ông là triết lí dấn thân. Dấn thân vì lí tưởng, vì sự nghiệp, vì quần chúng nhân dân. Lúc đầu, ta dễ tưởng rằng ông dấn thân vì lí thuyết trung quân, vì những tín điều của đạo đức Nho giáo. Nhưng dần dần ta thấy không đúng như vậy. Ông cố phục tùng nhà vua, ông có nói chẳng quân thần phụ tử đếch ra người, nhưng sự thực ông dấn thân là vì sự sống. Dấn thân chứ không bao giờ dung thân. Các nhà nho trước đây, hình như ai cũng có tư tưởng dung thân, và khi dung thân không được thì người ta ẩn thân. Nguyễn Công Trứ không bao giờ như thế cả.
Cũng ở cái triết lí sống này, Nguyễn Công Trứ lại tự chứng tỏ một tâm hồn cao rộng, một cuộc sống thanh bạch, khác xa với mọi người. Ai có thể nghĩ rằng một người như ông Trứ có đến hàng chục con trai con gái, có vợ hơn ông hai ba tuổi, và vợ thua ông đến bốn năm chục tuổi (đoán theo câu thơ “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”) mà khi về già lại không cửa, không nhà. Chính ông tự nói ra điều ấy:
Bảy chục về hưu còn ở trọ
Tám tuần góa vợ luống trở già!
Đấy là cảnh về hưu của một ông quan tương đương cấp bậc bộ trưởng! Không được phân phối nhà! Không có ruộng đất! Không có tiền riêng. Té ra bốn chục năm làm quan, ông không nghĩ đến mình một chút nào cả. Hình như cả thế giới tư bản, và xã hội chủ nghĩa trước đây, không có ai như ông Trứ cả. Đối với xã hội cũ thì đây quả là con người ta phải kính phục, nhất là con người ấy chỉ toàn làm lợi cho nước cho dân. Cạnh đó, Nguyễn Công Trứ còn nêu thêm cho chúng ta một bài học có lẽ là rất khó bắt chước. Ông vẫn là con người chơi bời ngông nghênh và nghịch ngợm từ thuở thiếu thời, nhưng cái chơi ấy không cản trở được sự nghiệp của ông. Sa vào trò cờ bạc, vào thú ăn chơi mà không bị tha hóa thì cũng có những hạn chế về mặt nọ mặt kia. Nguyễn Công Trứ thì không. Một tâm hồn lãng mạn không thể hại đến chí chiến đấu, nếu quả người ta muốn chiến đấu. Các nhà nho xưa, ai cảm thấy thiếu bản lĩnh thì phải tránh xa. Nguyễn Công Trứ cứ lao vào, mà vẫn giữ được con người thanh bạch, giữ được chí khí hào hùng và làm nên sự nghiệp. Hoan hô ông ở điểm đó.
Cuối cùng, vẫn là xét về tư cách văn hóa, còn rất đáng chú ý đến ông đối với văn chương quốc âm và lối hát ả đào. Xin để dành cho những bạn có công phu chuyên khảo về những đề tài này. Chỉ xin nói qua rằng, đây cũng là điều độc đáo của ông. Suốt đời vùi đầu với Hán tự, mà chỉ để lại có một bài thơ chữ nho, còn thì làm văn toàn bằng tiếng Việt. Quả là một sự lạ lùng, chưa cắt nghĩa được. Văn ca trù có từ Lê Đức Mao, qua ba thế kỉ, không thấy có ai sử dụng. Phải chờ Nguyễn Công Trứ mới có bạn tri âm. Ông là người có công đầu mở ra trường phái ca trù, nếu có thể nói được như thế (Cao Bá Quát là sau ông, và lại cũng chỉ có Cao Bá Quát thôi). Hiện tượng này cũng đáng để cho các nhà văn học sử lưu ý.
VNK
Nguồn: Nguyễn Công Trứ con người, cuộc đời và thơ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996.
Subscribe to:
Posts (Atom)